Cha & con
Rớt đại học…!!!
trên đời này, người đậu đại học nhiều, mà rớt cũng nhiều hơn. Chẳng phải cụ Tú Xương lừng lẫy cũng đẫ từng thốt lên “thi không ăn ớt mà cay” đó sao? Người xưa còn thế, thì huống chi là là…
Vậy mà nó vẫn buồn, lạ thật! người nó bần thần, dại dại. Tay chân cứ xụi đi, chẳng muốn làm gì. Nó nằm trên bộ ván đen sạm, nhìn lên trần nhà. Nó có bộ dạng của một kẻ chờ sung. Nhưng cây sung đâu có mọc trên trần nhà. Trên đó, chỗ mấy lớp vôi lám nhám, xù xì, chỉ có mấy con thằn lằn đang bò qua, bò lại. Thỉnh thoảng chúng lại chắc chắc lưỡi. Bất giác Danh cũng “chắc chắc”. Nuối tiếc, ân hận, tự trách mình? Chẳng biết. Miếng ớt Danh nuốt kì này quả thật là cay, cay đến tê cả lưỡi, làm nó quên hết mọi cảm giác khác. Trong đầu nó trống rỗng, một đám mây đen kéo qua.
Danh quyết chí nuôi mộng vào sư phạm.
Suốt những năm trung học, nó không ngừng lải nhải về điều đó. Nó tự hào vì nó lựa chọn khác với tụi bạn nó, cả lũ suốt ngày mê mải với các trường danh tiếng. Ba nó thì chỉ cần nó lên đại học là tốt rồi. Ông cứ hay bảo mình ít học, thành ra chỉ lo dành dụm tiền cho nó bằng anh bằng em…
Chỉ mới hôm qua thôi, Danh vẫn còn hy vọng tràn trề khi cầm tờ danh sách trúng tuyển. Vậy mà một phút sau đó, nó đã thấy tim đập loạn lên, mắt dáo dác. Một lần, hai lần, ba lần rồi đến mười lần. Mắt nó nhìn trân trối vào tờ danh sách, nhưng vẫn không có tên nó. Nó biết vậy, dù cứ đứng dò mãi. Lúc đó, nó còn nhớ cảm giác như ruột gan cuộn lên và không thể nào buông tờ danh sách xuống. Nó sợ, sợ gương mặt lồ lộ những thất vọng, ê chề không thể che giấu của nó sẽ tố cáo quanh: “lại một đứa nữa rớt rồi!”.
Vậy mà trước đây nó luôn được biểu dương như một kiểu thành tích “vượt khó học tập” cơ đấy! Nó cay cú nghĩ giá mà có thể quay ngược lại thời gian… Nhưng khổ một cái, đời không có tiếng “giá mà…”. Có tiếng mở khóa lách cách và tiếng đẩy cửa vào. Ba về. Cái cửa lâu không tra dầu kêu “két” lên một tiếng. Nghe thật chán. Danh nằm phòng trong, nghe tiếng ba đẩy cái bàn máy may vào góc nhà đánh cạnh. Rồi tiếng liệng chìa khóa lên bàn.
- Sao ở nhà mà đóng cửa vậy con?
Nó im lặng. Nó khóa cửa trong, tự nhốt mình trong nhà như vậy là để ba có về, thì tự dung chìa khóa của mình mà mở. Nó không muốn chường mặt ra. Danh cảm giác cái mặt mình đáng chán kinh khủng. Nó đang ước chi có thể được nhốt mình ở đây luôn cho đến chết khô… ừ, cho chết khô luôn đi…
Có tiếng nước chảy lóc róc, có lẽ ba rửa tay. Sau đó, chắc chắn ba sẽ với lấy cái khăn mặt và vừa lau vừa gọi nó ra ăn cơm.
- Ra dọn bàn ăn đi con. Ba có mua xá xíu!
Cơm thì nó đã nấu rồi, phải chi ba cứ ăn một mình, đừng gọi nó ra thì hơn. Nhưng mà không được, thái độ kỳ cục của nó sẽ làm ba biết ngay. Nó soi mình trong gương, vỗ vào mặt mấy cái rồi gắng nặn ra một nụ cười.
Căn nhà nhỏ nhưng kê ít đồ đạc nên cũng rộng rãi. Giữa nhà là cái bàn tiếp khách kiêm bàn ăn. Nó vội vã dời ấm trà sang một cái ghế đẩu, lấy chỗ cho ba đặt chén tương ớt.
Hai cha con ngồi ăn. Nó cố nặn một bộ mặt bình thường và nghĩ ra một điều gì đó vui vui để nói, mà sao khó quá! Không khí hơi ngột ngạt, ba nó chợt hỏi :
- có kết quả chưa con ?
Chẳng hiểu sao, nó trả lời ngay không chút ngập ngừng:
- Chưa đâu, còn lâu mà ba!
Nó cảm thấy mặt nó lúc này bình thản kinh khủng. Chợt một nỗi khó chịu lan đến làm trán nó nhăn lại. Nó vội cúi mặt vào chén cơm và lia lịa. Vậy là ba nó bắt đầu kể về ngày hôm nay, ban sang đi giao hang ra làm sao. Đến chiều thì có bao nhiêu người đến may sửa túi xách… Danh nghe loáng thoáng mơ hồ, vì lúc này đầu nó đặc cứng như đá. Có tiếng nói nào cứ ong ong: giấu đến bao giờ, rồi cuối cùng ba cũng biết thôi. Kệ, được ngày nào hay ngày ấy. Dù sẽ là một ngày đầy dằn vặt, lo âu.
Nắng đã gay gắt chiếu vào ô cửa sổ mở rộng, phủ trùm lên bộ ván và lên người Danh. Nó vẫn không buồn dậy kéo màn. Cái thứ nắng buổi trưa một giờ có cái gì hăng hắc, kỳ cục khiến Danh bứt rứt, quay quắt. Danh ngồi dậy, gãi tai, rồi lại vò đầu bứt tóc. Chịu không nổi, nó đẩy cửa đi ra ngoài đường.
Giờ này chắc chắn ba đã ra góc đường ngồi như mọi lần, với bàn máy, vài thứ đồ lặt vặt để may túi xách. Nó tránh đi về hướng đó. Nó đi về hướng cây cầu, chỉ mong trưa trờ trưa trật thế này sẽ không có đứa bạn cũ nào xuất hiện làm phiền lòng nó. Nó lên đứng ngay đỉnh cầu, nhìn xuống dòng nước đen đặc sánh bùn và rác. Phía bên kia là một dãy nhà ổ chuột cất ngay cạnh bờ sông. Ở ngay một miếng ván chìa ra, có một bà mẹ đang tắm cho đứa con, xối nước ào ào xuống dòng sông. Ý định nhảy sông thử của nó lập tức xì hơi xẹp lép. Trời nắng chang chang nhưng gió từ phía sông lớn thổi về rào rạt. Một cái nón lá bị gió thổi bay về gần phía chân nó. Một cô gái chạy đến, cúi xuống lượm. Cô gái nhìn nó, kêu lên:
- Danh hả, từ hồi thi xong biến đâu vậy? Đậu chưa?
Nó nhận ra Yến, uể oải hỏi lấy lệ:
- Bạn thì sao? Đậu chưa?
- Rồi, nhưng có một trường à. Còn Danh sao?
Nó nuốt nước bọt khó khăn như phải nuốt một con nhái sống đang ngọ ngậy, không thể tin là cuối cùng nó cũng nói được:
- Tui rớt rồi!
Tối đến, nó cố không nằm dài trên giường nữa. Nó bắc ấm nước sôi, pha một ấm trà mới. Nó đặt ấm trà lên bàn, kéo ghế ngồi, rồi bắt đầu sắp đặt các ly tách trên bàn một cách vô vị. Phía trên kia bàn, ba nó châm một điếu thuốc, phả khói mờ mịt. khói thuốc làm mái tóc ông có vẻ bạc trắng hơn. Lâu rồi, nó có bao giờ nhìn ba thật kỹ đâu. Bây giờ ba ngồi đây, ngya đối diện nó, thật gần. Dưới ánh đèn vàng nó thấy cái áo bộ đội màu xanh bạc thếch, gương mặt sạm đen râu tua tủa. Cả râu ba cũng lấm tấm nhiều sợi bạc. Tự nhiên nó cảm thấy không thể giấu ba được nữa.
- Ba ơi, con…
- Sao con?
Danh cứ trực nói rồi lại thôi, nó ấp úng hai ba lượt. Ba nó rít một hơi thuốc:
- Ba với ông nội, làm như có duyên với cái nghề may túi xách.
Nó khựng lại nhìn ba mắt xa xăm. Ba nó đang có hứng kể chuyện đời xưa, vậy thì không nên nói ra lúc này.
- Hồi trước ông nội con cũng từng may trên cái bàn máy này. Cố dành dụm, chắt bóp cho ba vào đại học. Ông cứ nói nếu mà có thằng con học tới đó, ông sẽ tự hào lắm. mà lúc đó, ba còn ham chơi quá, đã biết gì?
Danh ngập ngừng:
- rồi ba…
- rớt chớ sao con! Mà lại rớt tú tài mới là…
- rồi…ông nội nói sao?
- Ông giận lắm, đánh ba một trận nhừ tử. nhưng đánh xong thì ông …ông lại đưa ba một cái túi ông tự may: “quà tao định mừng mày thi đậu”.
Danh thấy mắt ba long lanh, hai đầu lông mày châu lại thành một nếp nhăn. Ông đứng dậy đi về phía cái rương trong góc nhà, lôi từ trong đó ra một gói giấy.
Nó mở gói giấy ra, cái mùi mốc lâu ngày của đồ cũ xộc vào mũi. Trong đó là một cái túi may bằng da giả, rất khéo.
- sao ba… chưa xài?
- Ba để dành nó lại…định…mừng con…
Danh run run:
- ba ơi, con…
- sáng hôm có kết quả, ba đã đi qua trường. ba không thấy có tên con.
Danh sửng sốt, thì ra mấy ngày qua ba biết cả rồi, vậy mà ba…
- ba muốn để tự con nguôi ngoai, nưng con cứ buồn hoài. Ba lo lắm.
- ba ơi, cái này…
- con. ờ, như người ta hay nói đó, cuộc đời có nhiều đường đi, quan trọng là mình phải đi đến cùng con đường đó.
Danh cúi gằm. Ba nó vỗ vào vai nó đánh đét:
- sao, ba nói không đến nỗi tệ chớ?
Nó vẫn im lặng. chợt ba nó ngập ngừng:
- ba tặng con, vì con là con của ba. Vì ba luôn tự hào về con, chứ không phải những gì con đạt được, con hiểu chưa?
…Rớt đại học. Danh biết là nó đã mất nhiều, nhưng nó nhận ra, nó đã nhận được nhiều hơn thế…!?